Nghiên cứu trao đổi

13/07/2023 04:39

THỰC THI QUYỀN TÁC GIẢ TẠI THƯ VIỆN QUÂN ĐỘI

THỰC THI QUYỀN TÁC GIẢ TẠI THƯ VIỆN QUÂN ĐỘI

Trung tá, Ths. Trần Nữ Quế Phương
Thư viện Quân đội

Như chúng ta đã biết, quyền tác giả là một trong những quyền quan trọng  của quyền sở hữu trí tuệ, là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Trong lĩnh vực thư viện, nhiều hoạt động liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan đến tác giả như tạo lập, phát triển, trao đổi, chia sẻ, khai thác, sử dụng tài nguyên thông tin. Trong đó, hoạt động sao chép tài liệu, số hóa tài liệu phục vụ lưu trữ, bảo quản, nghiên cứu, học tập, liên thông thư viện trong và ngoài hệ thống là những hoạt động được các thư viện thường xuyên sử dụng. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi đề cập đến những quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về quyền tác giả và việc thực thi quyền tác giả tại Thư viện Quân đội hiện nay.


1. Các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền tác giả và quyền liên quan đến tác giả


* Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022)  (gọi tắt là Luật SHTT) quy định về quyền tác giả và quyền liên quan đến tác giả
Ngày 16 tháng 6 năm 2022, Luật SHTT được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.  


Luật quy định: Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Như vậy, Quyền tác giả là một trong những nội dung quan trọng  của Quyền sở hữu trí tuệ, là quyền của tổ chức, cá nhân đốỉ với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Về căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Điều 6, Luật này như sau: 1. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. 
Về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả được quy định tại Điều 13 của Luật như sau: 1. Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại các điều từ Điều 37 đến Điều 42 của Luật này.

 

Theo đó, chúng ta có thể hiểu là, người sáng tạo ra tác phẩm hoặc người được tác giả chuyển nhượng quyền là chủ sở hữu quyền tác giả mới là người nắm giữ các quyền nhân thân hay quyền tài sản đối với tác phẩm chứ không phải người sở hữu bản gốc hay bản sao tác phẩm. Do vậy, thư viện chỉ là chủ sở hữu đối với các cuốn sách do thư viện mua hoặc được biếu tặng, còn tác giả của các cuốn sách ấy mới là chủ sở hữu quyền tác giả đối với các cuốn sách đó.
Các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan được quy định tại Điều 14 của Luật SHTT như sau: 
1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm: 
a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; 
b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; 
c) Tác phẩm báo chí; 
d) Tác phẩm âm nhạc; 
đ) Tác phẩm sân khấu; 
e) Tác phẩm điện ảnh; 
g) Tác phẩm mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng; 
h) Tác phẩm nhiếp ảnh; 
i) Tác phẩm kiến trúc; 
k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học; 
l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; 
m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu. 

 

2. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh. 
 

3. Tác phẩm được bảo hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác. 
 

Luật cũng quy định rõ các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả tại Điều 15 như sau:
1. Tin tức thời sự thuần túy đưa tin. 
2. Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó. 
3. Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.
Và Luật cũng quy định các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả tại Điều 25 như sau: 
1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm bao gồm:
a) Tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại. Quy định này không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép; 
b) Sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại;
d) Sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước;
e) Sử dụng tác phẩm trong hoạt động thư viện không nhằm mục đích thương mại, bao gồm: sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện để bảo quản, với điều kiện bản sao này phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ và giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện, lưu trữ; sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép cho người khác phục vụ nghiên cứu, học tập; sao chép hoặc truyền tá phẩm được lưu giữ để sử dụng liên thư viện thông qua mạng máy tính, với điều kiện số lượng người đọc tại cùng một thời điểm không vượt quá số lượng bản sao của tác phẩm do các thư viện nói trên nắm giữ, trừ trường hợp được chủ sở hữu quyền cho phép và không áp dụng trong trường hợp tác phẩm đã được cung cấp trên thị trường dưới dạng kỹ thuật số;
k) Sao chép bằng cách đăng tải lại trên báo, ấn phẩm định kỳ, phát sóng hoặc các hình thức truyền thông khác tới công chúng bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác được trình bày trước công chúng trong phạm vi phù hợp với mục đích thông tin thời sự, trừ trường hợp tác giả tuyên bố giữ bản quyền;
l) Chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, phát sóng các sự kiện nhằm mục đích đưa tin thời sự, trong đó có sử dụng tác phẩm được nghe thấy, nhìn thấy trong sự kiện đó.
Và việc sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
* Nghị định số 17/2023/NĐ-CP  quy định các nội dung liên quan đến các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, ngoại lệ không xâm phạm quyền liên quan

 

Nghị định số 17/2023/NĐ-CP đã quy định các nội dung liên quan đến các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, ngoại lệ không xâm phạm quyền liên quan, cụ thể như sau:
Đối với việc sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép được quy định tại khoản 1, Điều 25: 
Sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại quy định tại các điểm b, e, khoản 1, Điều 25 của Luật SHTT được là hành vi sao chép hợp lý không quá một bản một phần tác phẩm. Và khoản 3, Điều này cũng quy định: Đối với tác phẩm được thể hiện dưới dạng chữ viết, hành vi sao chép hợp lý quy định tại khoản 1, Điều này là hành vi sao chép bằng cách photocopy, chụp ảnh, hoặc hình thức tương tự khác tối đa không quá 10% tổng số trang hoặc tổng số đơn vị lưu trữ (bytes), tổng số từ của ấn bản, độ dài của nội dung của ấn bản đối với tác phẩm được cung cấp dưới dạng ấn bản điện tử không chia trang. Hành vi sao chép hợp lý bằng thiết bị sao chép quy định tại khoản này phải là hành vi độc lập với từng tổ chức, cá nhân thực hiện và nếu có sự lặp lại thì đó là các trường hợp riêng lẻ không liên quan đến nhau trên cùng một tác phẩm; Tổ chức, cá nhân sao chép tác phẩm được thể hiện dưới dạng chữ viết với tỷ lệ phần trăm nhiều hơn mức quy định tại khoản 3 Điều này phải được sự cho phép của chủ sử hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Đối với việc sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước, Điều 27 của Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định: 
Sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước là  việc cán bộ, công chức sao chép, chuyển thể, triễn lãm hoặc trưng bày tác phẩm để thực hiện hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước theo quy định của Luật Cán bộ, công chức.
Đối với việc trích dẫn hợp lý tác phẩm quy định tại điểm đ khoản 1, Điều 25 của Luật SHTT phải đáp ứng các điều kiện sau: 

 

1. Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình. 2. Phần trích dẫn từ các tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm được sử đụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn. 3. Việc trích dẫn phải kèm theo chỉ dẫn về nguồn gốc tác phẩm và tên tác giả, nếu tên tác giả được nêu trên tác phẩm sử dụng để trích dẫn.
Đối với việc sử dụng tác phẩm trong hoạt động thư viện không nhằm mục đích thương mại, Điều 29 của Nghị định số 17 quy định:
Khoản 1, Điều này quy định, sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện được quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 25 của Luật SHTT là việc sao chép không quá ba bản để bảo quản, với điều kiện các bản sao này phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ và giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện, lưu trữ.

 

Khoản 2, Điều này quy định, sao chép hợp lý một phần tác phẩm được quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 25 của Luật SHTT thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Nghị định này và phải bao gồm thông tin về quyền tác giả xuất hiện trên bản sao được sao chép theo đúng quy định của pháp luật.
Khoản 3, Điều này quy định, sao chép hoặc truyền tác phẩm được lưu trữ để sử dụng liên thông thư viện thông qua mạng máy tính quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 25 của Luật SHTT phải áp dụng các biện pháp để ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền tác giả và không được cung cấp cho công chúng bản sao tác phẩm dưới dạng kỹ thuật số bên ngoài khuôn viên của thư viện sử dụng hợp pháp bản sao đó.
Khoản 3, Điều này cũng quy định, thiết bị sao chép đặt trong khuôn viên thư viện phải kèm theo thông báo về việc tạo bản sao phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả.

 

Qua nghiên cứu, phân tích các quy định của pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan đến tác giả, ở góc độ thư viện, chúng ta có thể hiểu các nội dung quy định trên đã tạo hành lang pháp lý cho các thư viện thực hiện các nội dung sau:

Một là, thư viện được phép sao chép tác phẩm (không quá 03 bản) để lưu trữ (có đánh dấu là bản sao lưu trữ). Quy định này sẽ giúp cho việc lưu trữ, bảo quản tài liệu của các thư viện được bảo đảm và thuận lợi hơn. Điều đáng nói ở đây, là Luật SHTT cho phép “giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện, lưu trữ”, nghĩa là thư viện có thể phục vụ bạn đọc trong những trường hợp cần thiết, hợp lý.
Hai là, thư viện được sao chép và truyền tác phẩm được lưu giữ để sử dụng liên thông thư viện thông qua mạng máy tính, với điều kiện số lượng người đọc tại cùng một thời điểm không vượt quá số lượng bản sao của tác phẩm do các thư viện nắm giữ và phải áp dụng các biện pháp để ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền tác giả.

 

Ở nội dung này, có thể hiểu: bản sao của tác phẩm ở đây được hiểu là bản sao do thư viện sao chụp để lưu trữ, bảo quản, tức là không quá 03 bản theo quy định. Như vậy, số lượng người đọc tại cùng một thời điểm không vượt quá 03 người? Như vậy, liệu có hợp lý so với xu thế khai thác tài liệu từ xa trên các thiết bị thông minh ngày càng phổ biến, phát triển như hiện nay? Nên ở nội dung này, cần có hướng dẫn, quy định, thống nhất trong đối với các thư viện, tránh trường hợp do hiểu sai dẫn đến hạn chế hoặc lạm dụng, phục vụ ồ ạt tài liệu số trên không gian mạng.


Ba là, được phép “sao chép hợp lý một phần tác phẩm” để phục vụ bạn đọc nghiên cứu, học tập bằng photocopy, chụp ảnh, hoặc hình thức tương tự khác tối đa không quá 10% tổng số trang hoặc tổng số đơn vị lưu trữ (bytes), tổng số từ của ấn bản, độ dài của nội dung của ấn bản đối với tác phẩm được cung cấp dưới dạng ấn bản điện tử không chia trang.


Bốn là, sao chép, chuyển thể, triễn lãm hoặc trưng bày tác phẩm để thực hiện hoạt động công vụ.
Năm là, được trích dẫn nội dung của tác phẩm để tạo lập các sản phẩm thông tin, thư mục của thư viện. Việc trích dẫn phải kèm theo chỉ dẫn về nguồn gốc tác phẩm, tác giả theo đúng quy đinh.

 

Bên cạnh đó, ngoài các trường hợp không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả và các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả nêu trên, đối với các tác phẩm được bảo hộ bản quyền, trước khi sử dụng tác phẩm các thư viện cần phải xin phép và thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
 


Trung tá Trần Nữ Quế Phương đang giới thiệu, hướng dẫn khai thác tài liệu số cho đoàn cán bộ, giảng viên Khoa

Nhà nước và Pháp luật/Học viện Chính trị/Bộ Quốc Phòng tham quan thực tế tại Thư viện Quân đội.


Như vậy, có thể thấy, với những quy định cho các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả tại điểm e, khoản 1, Điều 25 của Luật SHTT và Điều 29 tại Nghị định 17/2023 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan đã có hướng mở cho các thư viện, đặc biệt, vấn đề bản quyền trong số hóa và phục vụ tài liệu số hóa của các thư viện đã được tháo gỡ so với những quy định trước đây. Có thể nói, đây là bước tiến lớn trong xây dựng chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ trên cơ sở bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích cộng đồng. Việc các thư viện được sao chép tác phẩm và phục vụ đến công chúng thông qua mạng máy tính với số lượng người đọc tại cùng một thời điểm không vượt quá số lượng bản sao của tác phẩm mà thư viện nắm giữ là một bước tiến mới trong cơ chế, chính sách, phù hợp với bản chất của thư viện, sát với nhu cầu của thực tiễn, xu hướng phát triển của các thư viện trong nước và trên thế giới. Những điểm mới trong sao chép và phục vụ bản sao của tác phẩm, không những bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của cộng đồng, mà còn giúp bạn đọc giảm thiểu thời gian, tài chính, công sức trong quá trình tiếp cận, khai thác tài liệu số của các thư viện. Chính sách này cũng thúc đẩy quá trình tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thư viện hiện đại góp phần đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ thông tin, thư viện, đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin, tài liệu của bạn đọc; thúc đẩy phát triển thư viện số, thư viện số dùng chung của các thư viện trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay; phát triển văn hóa đọc trong cộng động; bảo đảm nâng cao nhận thức, trình độ, đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân; phục vụ phát triển kinh tế - xác hội, phát triển con người Việt Nam toàn diện theo tinh thần của Đại hội XIII của Đảng.
 

2. Thực thi quyền tác giả tại Thư viện Quân đội hiện nay


TVQĐ là thư viện khoa học tổng hợp chuyên ngành quân sự cấp Nhà nước, là cơ quan nghiệp vụ đầu ngành của hệ thống thư viện trong Quân đội nhân dân Việt Nam, có chức năng tham mưu giúp Thủ trưởng Tổng cục Chính trị về công tác thư viện và hoạt động sách, báo trong Quân đội, với những nhiệm vụ chính: Xây dựng và bảo quản tài nguyên thông tin chuyên ngành quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực liên quan; Nhận lưu chiểu các xuất bản phẩm trong Quân đội; Tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc; Cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, huấn luyện, nâng cao trình độ, nhận thức, đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ trong và ngoài Quân đội; Bổ sung sách tập trung, định hướng đọc và xây dựng phong trào đọc sách trong Quân đội, bảo đảm tiêu chuẩn định mức sách cho cán bộ, chiến sỹ trong Quân đội…
 

Hàng năm, TVQĐ nhập vào kho trung bình gần 4.000 tên tài liệu với khoảng gần 11.000 bản, hơn 300 loại báo, tạp chí trong và ngoài nước. Đến nay, TVQĐ có gần 50 vạn bản sách, gần 2.000 loại báo, tạp chí và hơn 20.000 tài liệu số cùng nhiều nguồn tài nguyên thông tin trực tuyến khác, cụ thể như sau:
Các cơ sở dữ liệu (CSDL) do TVQĐ tạo lập, bao gồm: CSDL thư mục sách, tư liệu, luận án, luận văn; CSDL bài trích báo, tạp chí; CSDL tên báo, tạp chí; CSDL dữ kiện bạn đọc; CSDL dữ kiện về các tướng lĩnh, tác giả - tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng, quân đội (đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng thử nghiệm); CSDL số toàn văn do TVQĐ số hóa và mua tài liệu số hóa (tài liệu về quân sự, chính trị, lịch sử, nhân vật lịch sử, văn học,…); CSDL số bài trích báo, tạp chí…; Tài liệu số trực tuyến do TVQĐ mua quyền truy cập trên trang web mạng Internet của TVQĐ: Tạp chí ngoại văn online (Armada International, Asian Military review, Asian survey, International Security, Army University press, The inter-University Seminar on Armed Forces and Society (Đọc toàn văn, online); Time, Air Force (Bạn đọc đến Phòng đọc điện tử của TVQĐ, liên hệ thủ thư để được cấp Tên truy cập và Mật khẩu để đọc); CSDL ebook  của Nxb. Tổng hợp TP. HCM trên trang web mạng Internet của TVQĐ (Đọc toàn văn, online); Cổng truy cập nguồn tin điện tử của Mạng NASATI – Cục Thông tin Khoa học Công nghệ Quốc gia (TVQĐ mua tài khoản Bạn đọc đặc biệt). Bạn đọc có thể vào để tra cứu CSDL STD – Tài liệu KH&CN Việt Nam (Các tạp chí, công bố khoa học toàn văn); CSDL Nhiệm vụ KH&CN Việt Nam (Thông tin chi tiết về các đề tài, nhiệm vụ khoa học của Việt Nam) và các CSDL khoa học quốc tế ScienceDirect, Springer Nature, IEEE Xplore Digital Library, SCS publications, Web of Knowledge (Bạn đọc đến Thư viện Quân đội để được cấp tài khoản và mật khẩu để đọc các tài liệu này của Mạng NASATI).

 

Ngoài ra, để phục vụ thông tin, tài liệu đến với bạn đọc trong và ngoài Quân đội theo đúng quy định của Bộ Quốc phòng, TVQĐ tổ chức 3 trang web. Mỗi trang web có những sản phẩm và dịch vụ đặc thù, nhằm đa dạng hóa các hình thức phục vụ, đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin của bạn đọc trong và ngoài Quân đội. Cụ thể như sau:
 

Trang web TVQĐ trên mạng Internet (thuvienquandoi.vn) dùng để phục vụ bạn đọc trong và ngoài Quân đội, bao gồm: Tin bài về hoạt động, nghiệp vụ thông tin, thư viện; Tin bài, tài liệu tuyên truyền về quân sự, quốc phòng, an ninh, công tác đảng, công tác chính trị, tài liệu giáo dục chính trị, học tập nghị quyết...; Các cơ sở dữ liệu thư mục sách, báo, tạp chí của TVQĐ đã lọc các tài liệu hạn chế, tài liệu quân sự theo đúng quy định trước khi đưa lên phục vụ trên Internet; Các sản phẩm thông tin, thư mục do TVQĐ biên soạn (Clip giới thiệu sách mới, sách chuyên đề; Thư mục chuyên đề, Thư mục Thông báo tài liệu mới, Tài liệu phục vụ nghiên cứu); Tài liệu số truy cập trực tuyến do TVQĐ mua quyền truy cập (đã đề cập chi tiết ở trên); Liên kết đến các website: các báo, tạp chí trong Quân đội. 
 

Trang web TVQĐ trên Mạng truyền số liệu quân sự của Bộ Quốc phòng (tvqd.bqp) dùng để phục vụ bạn đọc là cán bộ, nhân viên, chiến sỹ đang công tác trong Quân đội, bao gồm: Tin bài về hoạt động, nghiệp vụ thông tin, thư viện; Tin bài, tài liệu tuyên truyền về quân sự, quốc phòng, an ninh, công tác đảng, công tác chính trị, tài liệu giáo dục chính trị, học tập nghị quyết…; Các cơ sở dữ liệu sách, báo, tạp chí của TVQĐ; Các sản phẩm thông tin, thư mục do TVQĐ biên soạn; Liên kết đến các website: Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh 86, Mạng Thông tin Khoa học quân sự, Nhà xuất bản Quân đội…Và nhiều nguồn tài nguyên thông tin khác trên Mạng truyền dữ liệu quân sự của Bộ Quốc phòng. Trong đó, nổi bật là bạn đọc có thể khai thác tài nguyên thông tin của hơn 40 cơ quan thông tin, thư viện của các học viện, nhà trường trong Quân đội thông qua Hệ thống thư viện số dùng chung trong Bộ Quốc phòng từ các máy tính ở đơn vị đã nối Mạng truyền số liệu quân sự của Bộ Quốc phòng.
 

Trang web mạng LAN dùng để phục vụ bạn đọc đến tra cứu, khai thác tại TVQĐ. Tại đây, TVQĐ cung cấp đầy đủ các nội dung thông tin, tài liệu tương tự như trang web trên Mạng truyền số liệu quân sự, ngoại trừ Hệ thống thư viện số dùng chung, các liên kết trong Quân đội và các tài liệu trực truyến do TVQĐ mua quyền truy cập trên Internet.
 

Hiện nay, với nguồn tài nguyên thông tin phong phú đa dạng kể trên, TVQĐ tổ chức phục vụ miễn phí cho bạn đọc tại chỗ cũng như khai thác từ xa. Ngoài ra, TVQĐ có các dịch vụ thông tin, thư viện phục vụ bạn đọc như sau: cung cấp các sản phẩm thông tin, thư mục; cung cấp thông tin theo yêu cầu; trưng bày, triển lãm, giới thiệu tài liệu; hỏi đáp trực tuyến; làm thẻ bạn đọc; dịch vụ sao chụp; dịch vụ mượn tài liệu; dịch vụ tư vấn thông tin theo yêu cầu; các dịch vụ đa phương tiện khác…
 

Để bảo đảm các quy định về bản quyền trong quá trình tạo lập, lưu trữ, bảo quản, phục vụ, khai thác, sử dụng tài liệu, TVQĐ thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền tác giả. Cụ thể như sau:


Đối với việc số hóa và phục vụ tài liệu số, TVQĐ luôn chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của Luật SHTT. TVQĐ và nhà cung cấp sử dụng nhiều hình thức quản lý khác nhau nhằm bảo đảm vấn đề bản quyền cũng như điều kiện hạ tầng của TVQĐ trong quá trình phục vụ khai thác và sử dụng tài liệu số trên các phần mềm và trang web của TVQĐ thông qua các hình thức quản lý như: Quản lý theo tài khoản truy cập, dải địa chỉ IP và lưu lượng truy cập, thời gian sử dụng theo đúng quy định của pháp luật; Chỉ cho phép đọc trực tiếp, không cho phép tải xuống; Đối với tài liệu chưa rõ về bản quyền, TVQĐ chỉ phục vụ đọc tại chỗ.
 

Đối với hoạt động sao chép tài liệu, có thể nói, đây là một trong những hoạt động đặc thù, phổ biến của các thư viện giúp bạn đọc sao chụp tài liệu phục vụ nghiên cứu, học tập. TVQĐ là thư viện khoa học tổng hợp chuyên ngành quân sự cấp Nhà nước, với một khối lượng lớn tài liệu về quân sự và các lĩnh vực liên quan được rất nhiều bạn đọc quan tâm, tìm kiếm, khai thác. Do vậy, hoạt động sao chép tài liệu là hoạt động thường xuyên trong quá trình phục vụ bạn đọc khai thác tài liệu tại TVQĐ. Tuy nhiên, trong bất cứ hoàn cảnh nào, TVQĐ luôn tuân thủ theo đúng quy định của Luật SHTT là “sao chép hợp lý một phần tác phẩm” tạo thuận lợi cho bạn đọc trong quá trình tìm kiếm, khai thác tài liệu TVQĐ.
 

Hiện nay, để làm giàu nguồn tài nguyên thông tin số, TVQĐ ưu tiên số hóa tài liệu hết thời hạn bảo hộ, tài liệu không nằm trong danh mục bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ, tài liệu nội sinh, tài liệu xuất bản trong phạm vi Bộ Quốc phòng…Đồng thời, ưu tiên bổ sung tài liệu số, tài liệu trực tuyến từ các nhà xuất bản; tăng cường, đẩy mạnh hợp tác, trao đổi, chia sẻ tài nguyên thông tin số giữa các cơ quan thông tin, thư viện trong và ngoài hệ thống… 
Như vậy có thể thấy, việc chuyển đổi số ngành thư viện gắn liền với việc tạo lập, phục vụ tài nguyên thông tin số. Bởi tài nguyên thông tin số là một hợp phần quan trọng, tiên quyết để hình thành thư viện số. Và thực tiễn cho thấy, tất cả các nội dung từ tạo lập, phục vụ, khai thác, sử dụng, bảo quản, lưu trữ đều liên quan đến việc thực thi quyền tác giả. Vì vậy, việc tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ là một trong những nguyên tắc hoạt động của thư viện được quy định trong Luật Thư viện.

 

Tuy nhiên, để chức năng, sứ mệnh của thư viện được phát huy tối đa; bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng thư viện của các tổ chức, cá nhân mà vẫn bảo đảm  được quyền tác giả trong quá trình hoạt động, thì vấn đề pháp lý liên quan đến quyền tác giả và các giải pháp về công nghệ để quản lý, phòng chống vi phạm quyền tác giả là vô cùng quan trọng và cần được song hành để giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên. Đây là hai yếu tố quyết định đến lộ trình, sự thành công và tạo ra tính đột phá trong chuyển đổi số ngành thư viện. 

3. Một số giải pháp tăng cường thực thi quyền tác giả trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Thứ nhất, cần có các biện pháp tuyên truyền, phổ biến kịp thời về những thay đổi, điểm mới trong Luật SHTT về quyền tác giả đến công chúng bằng nhiều hình thức và biện pháp khác nhau; Quán triệt và nắm rõ các quy định của pháp luật về quyền tác giả và vận dụng vào hoạt động thư viện theo đúng quy định.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, xây dựng cơ chế, chính sách về bản quyền; ban hành, biên soạn các tài liệu hướng dẫn, hỏi - đáp về bản quyền tác giả; mở các lớp tập huấn bồi dưỡng, đào tạo nâng cao kiến thức về bản quyền, sở hữu trí tuệ; tư vấn hỗ trợ người sử dụng; cần có các biện pháp cảnh báo đối với người sử dụng, đối với cán bộ thực hiện hoạt động sao chép tài liệu.


Thứ ba, tham khảo kinh nghiệm ứng dụng công nghệ hiện đại trong và ngoài nước trong thực thi quyền tác giả và bảo vệ quyền tác giả đối với tài nguyên thông tin số và vận dụng các quy định của Luật SHTT trong quá trình chuyển đổi số thư viện; nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp công nghệ hỗ trợ bảo vệ bản quyền phù hợp với thực tế của mỗi thư viện đặc biệt các công nghệ đánh dấu bản quyền, mã hóa tài nguyên; nghiên cứu các giải pháp phân cấp, phân quyền, quản lý lượt truy cập, giới hạn số lượt truy cập, giới hạn số lượng thiết bị, giới hạn người sử dụng theo tài khoản, theo dải IP…đối với từng tài liệu/nhóm tài liệu, từng người/nhóm người sử dụng trong quá trình quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thông tin số của thư viện.
Thứ tư, cần có các cơ quan, tổ chức độc lập nghiên cứu, phát triển các giải pháp về công nghệ kiểm soát được các hành vi vi phạm bản quyền để phát hiện và xử lý kịp thời.


Thứ năm, cần có biện pháp, đẩy mạnh hoạt động giám sát, quản lý các cơ sở photocopy, scan, các trang web cung cấp bản sao ngoài thư viện nhằm bảo đảm quyền tác giả và quyền liên quan.


Như vậy, có thể thấy, những quy định về quyền tác giả và quyền liên quan đến tác giả và quá trình thực thi các quyền đó trong tạo lập, cung cấp, khai thác, sử dụng, bảo quản, lưu trữ tài liệu tại các thư viện đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của mỗi thư viện. Vì vậy, việc nghiên cứu, thực thi, hoàn thiện, đồng bộ, phát triển cơ chế, chính sách của Nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan trong các thư viện là vô cùng cần thiết, là đòi hỏi tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trong bối cảnh hiện nay./.

Tài liệu tham khảo

1. Luật số 07/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.
2. Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022). - Hà Nội.:Lao động, 2023. -383tr.: 19cm.
3. Nghị định số 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26 tháng 4 năm 2023 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Trung tá Trần Nữ Quế Phương

TVQĐ

Lên đầu trang