Nghiên cứu trao đổi

06/01/2022 01:27

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, TỪNG BƯỚC CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA HỆ THỐNG THƯ VIỆN, PHÒNG ĐỌC TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Những năm qua, đón đầu chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ, Bộ Quốc phòng (BQP) đã đầu tư và triển khai nhiều dự án về ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, hiện đại hóa, thông minh hóa, mạng hóa cho các cơ quan, đơn vị, trong đó có nhiều dự án liên quan đến Ngành Thông tin, Thư viện (TTTV). Đến nay, BQP đã bước đầu xây dựng được một hệ thống thư viện số dùng chung, kết nối, tích hợp, chia sẻ, khai thác sử dụng chung tài nguyên thông tin các cơ quan thông tin, thư viện lớn của BQP thông qua Mạng truyền số liệu quân sự/BQP (Mạng TSLQS). Hệ thống đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ, cung cấp, khai thác, chia sẻ thông tin, tài liệu phục vụ nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân. Tuy nhiên, vẫn còn một số lượng lớn các thư viện, phòng đọc (chủ yếu là các thư viện trực thuộc nhà văn hóa và các phòng đọc ở cơ sở) chưa được kết nối Mạng TSLQS, chưa được đầu tư, trang bị đồng bộ, thống nhất từ phần mềm cho đến trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT), nên gặp nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình quản lý, chia sẻ, khai thác, sử dụng chung tài nguyên thông tin trong toàn hệ thống, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các thư viện, phòng đọc ở cơ sở.

I. Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của các thư viện, phòng đọc trong Quân đội

Là một bộ phận của công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, các thư viện, phòng đọc trong Quân đội có vai trò quan trọng là công cụ, nguồn lực đặc biệt để phục vụ nghiên cứu, tham mưu, ra quyết định, hoạch định chính sách, xây dựng đường lối, chiến lược quân sự, quốc phòng; phục vụ giảng dạy, đào tạo, huấn luyện; góp phần định hướng đọc, định hướng thông tin, phát triển văn hóa đọc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ trong và ngoài quân đội.  

Cùng với sự phát triển của Quân đội, hệ thống thư viện, phòng đọc (HTTVPĐ) trong Quân đội không ngừng được củng cố và phát triển, được tổ chức theo đơn vị hành chính của quân đội từ Bộ đến các đơn vị cơ sở trong toàn quân, đến nay, toàn quân có hàng trăm thư viện, phòng đọc hoạt động đã đi vào nề nếp, hiệu quả, thiết thực. HTTVPĐ trong Quân đội được tổ chức cụ thể như sau:

Hệ thống thư viện, bao gồm:

Thư viện Quân đội (TVQĐ) là thư viện khoa học tổng hợp chuyên ngành quân sự cấp nhà nước, là cơ quan nghiệp vụ đầu ngành của hệ thống thư viện, phòng đọc trong Quân đội nhân dân Việt Nam trực thuộc Tổng cục Chính trị (TCCT), có chức năng tham mưu giúp Thủ trưởng BQP, Thủ trưởng TCCT về công tác thư viện và hoạt động sách báo trong Quân đội.

Các thư viện trực thuộc nhà văn hóa, được tổ chức ở các đơn vị có biên chế nhà văn hóa, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cơ quan tuyên huấn, bao gồm: TV các quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng; sư đoàn, trung đoàn, lữ đoàn đủ quân; binh đoàn và tương đương.  

Các thư viện trực thuộc cơ quan thông tin, khoa học quân sự, được tổ chức ở các học viện, nhà trường, cơ quan nghiên cứu.

Hệ thống phòng đọc, bao gồm:

Phòng đọc độc lập được tổ chức ở các trường quân sự, bệnh viện, đoàn an điều dưỡng;

Phòng đọc tích hợp trong Phòng Hồ Chí Minh được tổ chức ở ban chỉ huy quân sự quận, huyện (tương đương), đồn biên phòng, các tiểu đoàn đủ quân, hải đoàn, hải đội, trạm ra đa, đại đội cao xạ, phi đội, kho;

Phòng đọc tích hợp trong phòng sinh hoạt chung được tổ chức ở các đoàn kinh tế quốc phòng, các đội, xưởng, đại đội, đơn vị có quân số ăn, ở tập trung tương đương cấp đại đội .

Trước bối cảnh thế giới và Việt Nam đang có xu hướng hệ thống hóa, tự động hóa, hiện đại hóa, đồng bộ hóa, thông minh hóa trong quản lý, xử lý, khai thác, chia sẻ, cung cấp thông tin, tài liệu, BQP đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT&TT từ xây dựng hạ tầng mạng, đường truyền số liệu quân sự bảo đảm kết nối dữ liệu đến các đầu mối chiến lược, chiến dịch và một số đơn vị cấp chiến thuật trên các hướng, địa bàn trọng điểm. Hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành được vận hành từ Bộ xuống các đơn vị. Cổng thông tin điện tử của các đơn vị được xây dựng, nâng cấp, tạo thuận lợi trong việc kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin, tài liệu trong toàn quân.

Cùng với đó, các cơ quan TTTV trong quân đội đã tận dụng và phát huy tối đa việc ứng dụng CNTT&TT trong hoạt động tổ chức, quản lý, khai thác, chia sẻ tài nguyên thông tin; chủ động nghiên cứu đề xuất, triển khai thực hiện các đề án, dự án hiện đại hóa thư viện, xây dựng thư viện số, phát triển tài nguyên số,...cho các cơ quan TTTV trong quân đội.

Dự án đầu tiên về ứng dụng CNTT vào hoạt động TTTV của BQP là Dự án Thư viện điện tử, được triển khai từ năm 1998, do Trung tâm Thông tin Khoa học Quân sự/Bộ Quốc phòng (Trung tâm Thông tin KHQS/BQP) chủ trì thực hiện, dự án triển khai qua 3 giai đoạn (1998-2020). Dự án đã xây dựng Mạng Thông tin Khoa học - Công nghệ - Môi trường quân sự (Mạng MISTEN) kết nối đến các đầu mối cơ quan thông tin khoa học quân sự của BQP, là mạng diện rộng đầu tiên của BQP, các đơn vị tham gia Dự án được đầu tư xây dựng thư viện số, máy scan, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị CNTT, thiết bị giám sát an ninh, phần mềm, cổng thông tin riêng cho mỗi đơn vị, xây dựng Hệ thống Thư viện số dùng chung trong BQP (sử dụng phần mềm quản trị thư viện tích hợp của Công ty CMC) có khả năng tích hợp, xử lý, truy xuất dữ liệu lớn, tốc độ cao, đáp ứng tiêu chuẩn của một trung tâm tích hợp dữ liệu lớn hiện nay, trong đó, Trung tâm Thông tin KHQS/BQP có vai trò là cơ quan điều phối, quản lý hoạt động của hệ thống thư viện số dùng chung trong BQP.

Song song với các hoạt động của Trung tâm Thông tin KHQS/BQP và ngành Thông tin Khoa học quân sự của BQP, TVQĐ/TCCT, với tư cách là thư viện đầu ngành của hệ thống thư viện trong quân đội, đã chủ động, tham mưu, đề xuất, hướng dẫn, triển khai các hoạt động hiện đại hóa, ứng dụng CNTT vào các hoạt động tại TVQĐ nói riêng và các thư viện trong toàn quân nói chung.

Giai đoạn 1993-2000, TVQĐ đã ứng dụng phần mềm CDS/ISIS để xây dựng các CSDL thư mục chuyên đề, CSDL tài liệu mới nhập về của TVQĐ, xử lý hồi cố tài liệu, xây dựng CSDL tên Báo - Tạp chí.

Giai đoạn 2001-2016, xây dựng mạng LAN, kết nối Mạng MISTEN, xây dựng trang web trên mạng Internet, MISTEN (sau này gọi là Mạng truyền số liệu quân sự/BQP - Mạng TSLQS), mạng LAN; xây dựng phòng đọc điện tử, kết nối mạng internet, xây dựng CSDL toàn văn, số hoá TL, được đầu tư máy scan tự động, phòng đọc điện tử, phần mềm quản trị thư viện tích hợp, xây dựng đường truyền cáp quang nối với Mạng TSLQS; triển khai Dự án “Hiện đại hóa Thư viện Quân đội giai đoạn 1” do Thư viện Quân đội chủ trì thực hiện (2011-2016). Dự án đầu tư nhiều trang thiết bị CNTT phục vụ hoạt động nghiệp vụ cho TVQĐ: phần mềm quản trị thư viện tích hợp (của Công ty CMC), nâng cấp các trang web, hệ thống máy chủ, máy in mã vạch, máy scan rô bốt tự động Treventus, phòng đọc điện tử, hệ thống giám sát an ninh,...

Nhân viên Thư viện Quân đội số hóa tài liệu. Ảnh: QUẾ PHƯƠNG.

Năm 2019-2020, TVQĐ triển khai “Dự án số hóa kho tài liệu quân sự và xây dựng hệ thống lưu trữ dữ liệu số tại TVQĐ” (xây dựng phòng máy chủ đạt chuẩn, số hóa gần 10.000 tài liệu số). Đầu năm 2020, TVQĐ tham gia tích hợp dữ liệu vào hệ thống thư viện số dùng chung của BQP do Trung tâm Thông tin KHQS/BQP chủ trì thực hiện, góp phần làm giàu nguồn tài nguyên số cho Hệ thống Thư viện số dùng chung của BQP, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chia sẻ, khai thác, tra cứu nguồn tài nguyên thông tin cho các cơ quan, đơn vị của BQP.

Đến nay, các thư viện trực thuộc cơ quan thông tin khoa học quân sự, cơ bản đã nối Mạng TSLQS, xây dựng trang web trên Mạng TSLQS, mạng Internet, tích hợp dữ liệu lên hệ thống thư viện số dùng chung trong BQP, sử dụng phần mềm quản trị thư viện tích hợp của Công ty CMC (riêng Học viện Kỹ thuật Quân sự dùng phần mềm quản trị thư viện tích hợp Libol của Công ty Tinh Vân), xây dựng thư viện số, xây dựng CSDL toàn văn, số hóa tài liệu, được trang bị các thiết bị CNTT và kiểm soát an ninh hiện đại như máy scan bán tự động/thủ công, cổng từ an ninh, chỉ từ, tem từ, máy khử từ, ứng dụng mã vạch vào quản lý, lưu thông, mượn trả tài liệu; trang bị hệ thống camera giám sát,...

Các thư viện trực thuộc nhà văn hóa (thư viện của các quân khu, quân chủng, binh chủng, sư đoàn và tương đương) cơ bản chưa kết nối mạng truyền số liệu quân sự, sử dụng phần mềm INFOLIB do TVQĐ phối hợp với Công ty Đức Minh phát triển và cung cấp. Các thư viện cấp trung, lữ đoàn và phòng đọc chủ yếu hoạt động theo phương thức truyền thống, nên việc khai thác tài liệu từ xa còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, cơ bản các thư viện lớn của BQP đã sử dụng phần mềm Quản lý chỉ đạo điều hành trong công tác chỉ đạo hành chính, phần mềm thiết kế các sản phẩm thông tin hiện đại như phần mềm thiết kế video clip, phần mềm thiết kế đồ họa, phần mềm xử lý file tài liệu số hóa, phần mềm chuyển file PDF, phần mềm giám sát mạng LAN, sử dụng ứng dụng mạng xã hội Facebook, youtube để tuyên truyền, quảng bá tài nguyên thông tin, hoạt động của các cơ quan TTTV,...

Nhìn chung, các cơ quan TTTV trong quân đội đã từng bước ứng dụng CNTT và các khoa học công nghệ hiện đại khác trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, tuy nhiên, việc triển khai chưa thực sự đồng bộ, chưa phát huy hết hiệu quả của việc ứng dụng CNTT, sự chênh lệch giữa các cơ quan, đơn vị các cấp còn quá lớn,...tạo nên nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình hoạt động.

II. Giải pháp ứng dụng CNTT để đẩy mạnh chuyển đổi số cho các thư viện, phòng đọc trong Quân đội

Trong thời gian tới, để thực hiện các nội dung được quy định trong Luật Thư viện (2019) (đặc biệt là các vấn đề về liên thông thư viện, phát triển thư viện số, hiện đại hóa thư viện ở Điều 29: Liên thông thư viện, Điều 31: Phát triển thư viện số, Điều 32: Hiện đại hóa thư viện), “Chương trình chuyển đổi số Ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, BQP đã có nhiều chủ trương, biện pháp để phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa nói chung và các thư viện, phòng đọc trong Quân đội nói riêng, cụ thể là: BQP đã ban hành Quy hoạch hệ thống Thiết chế văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, xác định giai đoạn 2021-2025 từng bước hiện đại hóa hoạt động thư viện, ứng dụng thí điểm đọc sách, báo điện tử cho một số thư viện cấp sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn đủ quân, đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn tài liệu,...định hướng đến năm 2030 thực hiện hiện đại hóa hoạt động TTTV, ứng dụng phổ biến thư viện điện tử cho hệ thống thư viện các cấp. Và kiện toàn tổ chức HTTVPĐ toàn quân chính quy, đồng bộ, thống nhất, khoa học, hoạt động hiệu quả, đồng thời quy định: Đối với đơn vị được trang bị đủ máy vi tính có nối mạng Internet và Mạng truyền dữ liệu quân sự đến các thư viện, phòng đọc, ngoài bảo đảm sách giấy theo quy định còn bảo đảm 5.000 trang sách điện tử/người/năm (Thông tư 138 của BQP (2020) quy định chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong QĐNDVN).

Để triển khai có hiệu quả các nội dung trên, đòi hỏi các thư viện, phòng đọc trong quân đội từng bước nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Thủ trưởng BQP, Thủ  trưởng TCCT về các nội dung liên quan đến phát triển mạng lưới thư viện hiện đại trong quân đội; phát triển thư viện số, số hóa tài liệu, phát triển tài liệu nội sinh chuyên ngành; xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật hiện đại bảo đảm triển khai, vận hành thư viện số, liên thông, tích hợp, chia sẻ, khai thác dữ liệu giữa các thư viện; nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, hệ thống dữ liệu lớn, điện toán đám mây, truy cập mở và thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại vào hoạt động của các thư viện, phòng đọc trong quân đội, hướng tới xây dựng mạng lưới thư viện quân đội trở thành mạng lưới thư viện hiện đại của cả nước. Cụ thể như sau:

Một là, nghiên cứu, xây dựng, ban hành, phổ biến, hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, quy chế, quy định đáp ứng yêu cầu trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT, hiện đại hóa, tự động hóa,...các hoạt động của các thư viện, phòng đọc trong quân đội.

Trung tâm Thông tin KHQS/BQP, TVQĐ và các cơ quan chức năng chủ động phối hợp, thường xuyên rà soát, tham mưu đề xuất, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống các văn bản quy định, hướng dẫn, quy hoạch, kế hoạch về việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số hoạt động của các thư viện, phòng đọc trong Quân đội, tạo cơ sở pháp lý để quản lý, chỉ đạo hoạt động, đáp ứng kịp thời, nhiệm vụ trong kỷ nguyên số.

Hai là, hoàn thiện và phát triển hạ tầng số.

Tập trung quy hoạch, mở rộng, phát triển hạ tầng CNTT, các điểm truy cập, kết nối đến người dùng trong toàn quân,…Đặc biệt, tập trung nâng cao chất lượng, phát triển Mạng TSLQS, kết nối Mạng TSLQS đến các thư viện, phòng đọc đơn vị các cấp, hình thành một mạng lưới TT,TV hiện đại diện rộng của BQP với tiêu chí chuẩn hóa, mạng hóa, hiện đại hóa, thông minh hóa, số hóa, liên thông trong toàn hệ thống; Xây dựng và phát triển hệ thống thư viện, phòng đọc trong quân đội thành một hệ thống có khả năng liên thông, liên kết, tích hợp, chia sẻ, khai thác, sử dụng chung tài nguyên thông tin của các thư viện trong hệ thống, trọng tâm, tập trung rà soát, đầu tư, phát triển Mạng TSLQS đến các thư viện, phòng đọc trực thuộc nhà văn hóa của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân; Xây dựng Thư viện Quân đội trở thành một trong những thư viện số hiện đại của Việt Nam, có cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, vật chất, phần mềm quản trị thư viện tích hợp hiện đại, đồng bộ, có năng lực quản trị dữ liệu tập trung, phân tích, xử lý dữ liệu lớn cho toàn hệ thống; Nâng cấp mạng lưới các thư viện trực thuộc các cơ quan thông tin, khoa học quân sự thành một mạng lưới làm nòng cốt, hạt nhân cho toàn bộ hệ thống; Trang bị hệ thống phần mềm quản lý thư viện tập trung, hệ thống máy chủ, thiết bị lưu trữ, thiết bị mạng, thiết bị đọc,... online và offline, có dây và không dây, xây dựng hệ thống thư viện số dùng chung thống nhất trong BQP bảo đảm công tác quản lý, lưu trữ, truy xuất dữ liệu lớn, liên thông, liên kết, tích hợp, chia sẻ, khai thác TNTT số trong toàn hệ thống;

Ba là, đẩy mạnh tạo lập, tổ chức tài nguyên thông tin số hóa, trong đó, chú trọng tạo lập, tổ chức số hóa tài liệu nội sinh của BQP.

BQP là một cơ quan tham mưu cho Đảng và Nhà nước về đường lối, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự bảo vệ Tổ quốc; chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng; tổ chức thực hiện việc xây dựng, quản lý, và chỉ huy quân đội nhân dân, dân quân tự vệ,.... Với chức năng, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nói trên, hằng năm, BQP có một lượng tài liệu nội sinh khổng lồ: các tạp chí chuyên ngành quân sự, quốc phòng; kỷ yếu hội thảo khoa học chuyên ngành; tài liệu đào tạo, huấn luyện, giảng dạy, học liệu, luận án, luận văn của các học viện, nhà trường,..; các xuất bản phẩm được xuất bản trong quân đội,...là nguồn tài liệu quý giá không chỉ của BQP mà còn của Nhà nước, quốc gia về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, vì vậy, việc số hóa, tổ chức, tích hợp, quản lý, khai thác, phổ biến, phân phối, lưu trữ,....phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu, ra quyết định, hoạch định chính sách, xây dựng đường lối, chiến lược quân sự, quốc phòng; phục vụ đào tạo, huấn luyện, giảng dạy, học tập; góp phần định hướng thông tin, phát triển văn hóa đọc, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần,...là vô cùng cần thiết và mang lại nhiều giá trị kể cả trước mắt và lâu dài.

Bốn là, quan tâm đào tạo, kiện toàn tổ chức, biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên thư viện, CNTT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để vận hành, triển khai, ứng dụng hệ thống, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ, nhân viên thư viện có kiến thức sâu về thư viện hiện đại, về quản trị tri thức số, am hiểu về CNTT cùng với đội ngũ kỹ sư CNTT được đào tạo cơ bản, bảo đảm số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Vì vậy, cần tăng cường, quan tâm, ưu tiên đầu tư đào tạo, hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên thư viện, công nghệ thông tin theo tiêu chí tinh, gọn, mạnh,...sẵn sàng bổ sung nguồn nhân lực cho quân đội đáp ứng yêu cầu chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu trong chiến tranh thông tin, tác chiến trên không gian mạng,...

Năm là, hình thành và phát triển văn hóa đọc trên môi trường số cho cán bộ, chiến sỹ trong QĐ.

Đọc tài liệu trên môi trường số là xu hướng tất yếu của sự phát triển trong xã hội ngày nay. Tuy nhiên, để khai thác và đọc tài liệu số hiệu quả, đòi hỏi người dùng phải được trang bị kiến thức số, kỹ năng sử dụng phần cứng, phần mềm để tiếp cận tài liệu số dưới nhiều dạng thức khác nhau, cùng với đó, trang bị cho người dùng kiến thức tìm kiếm, xử lý thông tin trên không gian mạng, kỹ năng ứng xử, đạo đức, hành vi đối với tài liệu trên môi trường số.

Kết luận

Như vậy, việc ứng dụng CNTT trong các thư viện của BQP bước đầu đã có những kết quả, đem lại những thay đổi lớn trong hoạt động TTTV toàn quân. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển và phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống TTTV hoạt động trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu, ra quyết định, hoạch định chính sách, xây dựng đường lối, chiến lược quân sự, quốc phòng cho lãnh đạo chỉ huy; phục vụ giảng dạy, học tập, đào tạo, huấn luyện; góp phần định hướng thông tin, phát triển văn hóa đọc, nâng cao nhận thức, chính trị tư tưởng, văn hóa, tinh thần cho toàn thể cán bộ, chiến sỹ trong toàn quân, cần có sự quan tâm, đầu tư đồng bộ, từ cơ chế, chính sách cho đến tập trung nguồn lực lớn của Nhà nước và Quân đội, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên Ngành Thư viện để hệ thống sớm được tự động hóa, thông minh hóa, liên thông, tích hợp, khai thác, sử dụng chung tài nguyên thông tin, trở thành một mạng lưới thư viện hiện đại, tạo bước ngoặt nổi bật, trở thành hình mẫu, mô hình hiệu quả trong hoạt động chuyển đổi số của toàn quân, góp phần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ...tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

Thượng tá, Th.s Mạc Thùy Dương – Phó Giám đốc Thư viện Quân đội

Trung tá, Th.s  Trần Nữ Quế Phương – Trưởng phòng TT-TM-MT / Thư viện Quân đội

--------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 / QĐ số 206/QĐ-TTg ngày 11/02/2021 của TTCP.
  2. CV số 1820/BVHTTDL-TV ngày 03/6/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tiếp tục triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
  3. Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030/ QĐ số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của TTCP.
  4. Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho hệ thống thư viện trong Quân đội nhân dân Việt Nam/Mạc Thùy Dương, Trần Nữ Quế Phương.- Số 10.- Năm 2021.- Tạp chí Khoa học Quân sự/Trung tâm Thông tin Khoa học Quân sự/BQP.
  5. Kỷ yếu Hội nghị Thông tin Khoa học Quân sự toàn quân lần thứ 6, Trung tâm Thông tin Khoa học Quân sự/BQP, Hà Nội, 2019, 298tr.
  6. Luật Thư viện 2019. Luật số: 46/2019/QH14, ngày 21 tháng 11 năm 2019.
  7. Quá trình hiện đại hóa Thư viện Quân đội – thực trạng và xu hướng phát triển/Trần Nữ Quế Phương, Tạp chí Khoa học Quân sự, 2013, số 10.
  8. Quy hoạch hệ thống Thiết chế văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của BQP ban hành kèm theo Quyết định số 3672/QĐ-BQP ngày 24 tháng 11 năm 2020.
  9. Quyết định Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020. Số 10/2007/QĐ-BVHTT.
  10. Thông tư 138 của Bộ Quốc phòng (2020) quy định chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong QĐNDVN.
  11. Thư viện Quân đội – chặng đường 60 năm/ Trần Thị Bích Huệ, Trần Nữ Quế Phương. Tạp chí Thư viện Việt Nam, 9/2017.
  12. Thực trạng và giái pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan thông tin, thư viện của Bộ Quốc phòng/Mạc Thùy Dương, Trần Nữ Quế Phương// Hội thảo phục vụ xây dựng Đề án: Đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong hoạt động thư viện ở Việt Nam, năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Lên đầu trang