Nghiên cứu trao đổi

17/12/2020 10:54

Kinh nghiệm hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách báo nhân dịp các sự kiện trọng đại

I. Đặt vấn đề

Công tác tuyên truyền giới thiệu sách là một hoạt động nghiệp vụ giúp cho thư viện thực hiện chức năng định hướng, dẫn dắt việc đọc và góp phần quan trọng trong việc xây dựng con người mới, nền văn hoá mới, xã hội mới; là cầu nối thư viện với bạn đọc.

Đảng chỉ rõ: Sách báo là vũ khí đấu tranh giai cấp sắc bén trên mặt trận tư tưởng và văn hoá. Công tác tuyên truyền giới thiệu sách là phương tiện phát huy tác dụng của sách báo. Vì vậy, Đảng rất quan tâm đến công tác tuyên truyền giới thiệu sách: “Vấn đề tuyên truyền, cổ động, mỗi một chi bộ phải lập được một chỗ “bình dân thư xã” hay một cơ quan tương đương để mua sách báo công khai và làm tài liệu nghiên cứu (hiện thời trong số sách báo công khai có nhiều, có tính chất phổ thông và có giá trị, các cấp bộ Đảng, các đồng chí ta nên vận động quần chúng mua nhiều, Đảng sẽ giới thiệu mua sách gì và phê bình sách ấy).”

Công tác tuyên truyền giới thiệu sách thể hiện rõ tính chủ động, tính khoa học, tính sáng tạo của công tác thư viện. Công tác tuyên truyền giới thiệu sách đòi hỏi cán bộ tuyên truyền phải có trình độ văn hoá nhất định, tư tưởng vững vàng, nhạy bén về chính trị, biết vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền giới thiệu sách mới đạt được hiệu quả cao.

Vậy tuyên truyền giới thiệu sách là gì?

Theo Từ điển Việt ngữ : Tuyên: đọc to cho mọi người biết; Truyền: chuyển đi. Tuyên truyền là bày tỏ cho nhiều người biết một đạo lý, một chủ nghĩa, một học thuyết, một việc gì, một sự gì bằng văn- tự ngôn ngữ, mục đích để người ta theo hay hiểu để làm theo.

Tuyên truyền, giới thiệu sách là hoạt động có mục đích của một chủ thể nhằm truyển bá những tri thức, giá trị tinh thần, tư tưởng đến đối tượng, biến những tri thức, giá trị tinh thần, tư tưởng đó thành nhận thức, niềm tin  tình cảm, cổ vũ đối tượng hành động theo những định hướng do chủ thể tuyên truyền đặt ra.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại.”

Trong những năm qua, Thư viện Quân đội luôn chú trọng các hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách, báo nhân các sự kiện lớn của đất nước, quân đội. Không chỉ tổ chức các hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách tại chỗ mà Thư viện Quân đội còn xây dựng các văn bản hướng dẫn và phối hợp với các Thư viện đơn vị trong toàn quân tổ chức các hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách báo nhân các sự kiện lớn trong năm thu hút đông đảo cán bộ, học viên, chiến sĩ trong toàn quân tham gia.

II - Kết quả kinh nghiệm hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách nhân các sự kiện trọng đại

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống Thư viện Quân đội đã triển khai có hiệu quả những chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước, Quân đội trong hoạt động thư viện, tích cực, chủ động, sáng tạo triển khai các dịch vụ mới trong thư viện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa thư viện, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của cán bộ, học viên, chiến sĩ trong toàn quân.

Thư viện Quân đội là cơ quan đầu ngành của Hệ thống thư viện trong QĐNDVN, là cơ quan tham mưu cho Thủ trưởng TCCT về các nội dung hoạt động sách, báo trong Quân đội. Đồng thời cũng quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam, hướng dẫn của Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị về tổ chức Ngày Sách Việt Nam 21/4 trong toàn quân; Kịp thời tổ chức các hoạt động hưởng ứng, đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị trong toàn quân tổ chức tốt công tác tuyên truyền giới thiệu sách, báo nhân Ngày Sách Việt Nam và các ngày kỷ niệm lớn trong năm gắn với việc đẩy mạnh phong trào đọc sách trong các đơn vị quân đội.

Cùng với đó, là xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai đồng bộ các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, gắn với sinh hoạt chính trị của đơn vị; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 87-CT/QUTW của Quân uỷ Trung ương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thông qua các hình thức tuyên truyền giới thiệu sách, báo phong phú, đa dạng như: Trưng bày, triển lãm sách, phát động phong trào đọc sách trong toàn quân, giao lưu, toạ đàm, trao đổi, tặng sách, thi tìm hiểu về sách… đẩy mạnh hoạt động sách, báo phục vụ bạn đọc tại thư viện; gắn với hoạt động kỷ niệm của đất nước, quân đội và đơn vị. Phát huy có hiệu quả các Website, hệ thống bảng điện tử, pano, khẩu hiệu… tạo hiệu ứng sâu rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, chiến sĩ về Ngày Sách Việt Nam trong đơn vị và toàn quân.

Các thư viện đơn vị đã phối hợp với địa phương nơi đơn vị đóng quân để tổ chức các hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách, báo như: triển lãm sách báo, giao lưu tọa đàm tác giả, nhân chứng lịch sử; tác giả, tác phẩm nhân các ngày lễ lớn của dân tộc; tác giả, bạn đọc; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền cho văn hóa đọc, khuyến đọc thông qua việc tổ chức các sự kiện văn hóa trong thư viện nhằm hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21/4, ngày sách và bản quyền thế giới 23/4, các ngày kỷ niệm lớn trong năm, ngày truyền thống của đơn vị...  Nhiều thư viện đơn vị đã làm rất tốt các hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách như: Thư viện Học viện Chính trị, Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Hậu cần, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Quân khu 2, Quân khu 4, Quân khu 7, Quân khu 9...

Các hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách, báo trong Ngày sách Việt Nam lần thứ nhất tại Thư viện Quân đội cũng  như các thư viện trong hệ thống lúc đầu còn đơn giản, chỉ là các hoạt động triển lãm sách, báo, giao lưu, tọa đàm, thì đến lần 2, lần 3, nhiều thư viện đơn vị đã chủ động phối hợp với các thư viện tại địa phương, các nhà sách, nhà xuất bản để tổ chức các hoạt động trong ngày sách rất phong phú, đa dạng như: Ngày hội sách, tuần lễ văn hóa đọc, thi tuyên truyền giới thiệu sách, thi viết về cuốn sách tôi yêu, tặng sách cho bạn đọc đến tham quan triển lãm; giao lưu tác giả, bạn đọc; giao lưu tác giả, nhân chứng lịch sử, chơi trò chơi có phần thưởng là sách...

Kết quả, từ năm 2016 đến năm 2020, Thư viện Quân đội đã tổ chức tại đơn vị phối hợp với các thư viện trong toàn quân tổ chức được 64 cuộc triển lãm sách báo; 29 cuộc giao lưu tọa đàm; 85 cuộc trưng bày chuyên đề tại các Hội nghị; Hội thảo; Lễ kỷ niệm... Nhiều cuộc triển lãm, trưng bày sách chuyên đề đạt hiệu quả cao, được cấp trên khen ngợi và trao tặng bằng khen cho Thư viện Quân đội. Đặc biệt năm 2017 và 2019, TVQĐ phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 và Cục Chính trị Quân khu 4 tham gia thi tuyên truyền giới thiệu sách toàn quốc đều đạt giải xuất sắc. Xin dẫn chứng một số các hoạt động tiêu biểu dưới đây:

Năm 2017, Thư viện Quân đội đã tham mưu cho Thủ trưởng Tổng cục Chính trị(TCCT) tổ chức Lễ phát động Phong trào đọc sách trong Quân đội. Tại lễ phát động, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm TCCT thay mặt TCCT đề nghị các cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp và cán bộ, chiến sĩ toàn quân cần tiếp tục quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc và ý nghĩa to lớn của việc đọc sách và giá trị của sách; khơi dậy niềm đam mê đọc sách... Phấn đấu mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam phải là một hạt nhân tích cực trong phong trào đọc sách, mỗi tập thể là một điển hình về văn hóa đọc, góp phần xây dựng và phát triển truyền thống văn hóa đọc trong quân đội; đáp ứng yêu cầu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, trong năm 2017, Thư viện Quân đội đã phối hợp với các thư viện đơn vị như: Cục Chính trị/TCCT; Thư viện Công an nhân dân; Nhà văn hóa Bộ đội Biên phòng...tổ chức được 05 cuộc triển lãm sách và 05 cuộc giao lưu tọa đàm tại đơn vị nhân các sự kiện lớn trong năm với các chủ đề như:Tiếp bước truyền thống quân đội anh hùng”; “Chủ tịch Hồ Chí Minh với QĐND và CAND”; Triển lãm “Thượng tướng Song Hào – cuộc đời và sự nghiệp cách mạng kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thượng tướng Song Hào (20/8/1917 – 20/8/2017); Triển lãm với chủ đề Ánh sáng Tháng Mười” nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga

(7/11/1917 – 7/11/2017); Triển lãm sách “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không” Kỷ niệm 45 năm Điện Biên Phủ trên không (18/12/1972 – 18/12/2017). Các cuộc giao lưu tọa đàm với các chủ đề: “Văn hóa đọc thời kỳ công nghệ số”tại Ngày Hội sách và văn hóa đọc năm 2017 tại TVQĐ; “ Lời tri ân tháng 7”; Một thời hoa lửa,Ý nghĩa và giá trị của Cách mạng Tháng Mười đối với thế giới, nước Nga và Việt Nam hôm nay”, “Đỏ rực bầu trời Hà Nội:”... đã thu hút hàng trăm lượt bạn đọc đến tham quan triển lãm và tham dự giao lưu tọa đàm.

Năm 2019, hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6, Thư viện Quân đội đã phối hợp với các đơn vị: Nhà xuất bản Phụ nữ, Trường Sĩ quan Chính trị, Thư viện Công an nhân dân, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu sách báo Việt Nam – Xunhasaba tổ chức Tuần lễ văn hóa đọc với nhiều hoạt động phong phú như: triển lãm sách, giao lưu tọa đàm, xếp xách nghệ thuật, tặng sách cho các bạn đọc trẻ đến tham quan triển lãm sách... Tại không gian triển lãm sách các đơn vị đã trưng bày gần 3000 cuốn sách, báo với nhiều chủ đề phong phú như: Hành trang người chiến sỹ; Công an nhân dân nhớ lời Bác dặn; Công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; Tăng cường đấu trang chống diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa.

Bên cạnh các hoạt động trưng bày triển lãm sách, Thư viện Quân đội còn phối hợp với các đơn vị tổ chức giao lưu tác giả, nhân chứng lịch sử với chủ đề “65 năm - Bản hùng ca Điện Biên”; giúp bạn đọc được gặp gỡ, giao lưu với nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, PGS.Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng, Đại tá Anh hùng lực lượng vũ trang Đặng Đức Song; Thư viện Quân đội cũng phối hợp với Nhà xuất bản Phụ nữ tổ chức giao lưu tác giả, tác phẩm “Bí quyết khai thác mỏ vàng trong những cuốn sách”. Khách mời là tác giả, dịch giả Nguyễn Bích Lan và Nguyễn Quốc Vương đã gợi mở những bí quyết đọc sách, lợi ích của việc đọc sách, tạo hứng thú đọc và từ đó hình thành thói quen đọc sách cho đông đảo đối tượng bạn đọc. Cuộc giao lưu đã thu hút hàng trăm cán bộ, học viên, chiến sĩ và sinh viên tham gia; các bạn đọc đều hào hứng đặt câu hỏi với các tác giả...Thư viện Quân đội cũng phối hợp với Trung tâm sách và thiết bị thư viện tổ chức các hoạt động bổ trợ có ý nghĩa thiết thực như xếp sách nghệ thuật, giới thiệu sách mới, đố vui, tặng hơn 1000 cuốn sách cho một số bạn đọc, học sinh trường tiểu học, trung học cơ sở khu vực trên địa bàn đơn vị đóng quân.

Một hoạt động rất có ý nghĩa trong Tuần lễ văn hóa đọc năm 2019, đó là: Phát động phong trào tặng sách với chủ đề “Tặng sách là trao đi tri thức”. Trong hoạt động này Thư viện Quân đội đã tiếp nhận hơn 2000 cuốn sách tặng từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân như: đồng chí Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm TCCT Quân đội nhân dân Việt Nam trao tặng cho Thư viện Quân đội cũng như hệ thống thư viện trong toàn quân cuốn sách “Tiến bước dưới cờ Đảng quang vinh xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; Đồng chí Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện/Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch; Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam; Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam; Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu sách báo Việt Nam Xunhasaba; Nhà xuất bản chính trị Quốc gia Sự thật; Nhà xuất bản Công an nhân dân; Nhà xuất bản Văn học; Nhà sách Quỳnh Dung; Công ty Cổ phần tri thức Văn hóa sách Việt Nam...

Bên cạnh các hoạt động ngày sách Việt Nam 21/4, năm 2019, Thư viện Quân đội cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều các cuộc triển lãm và giao lưu tọa đàm nhân các sự kiện lớn trong năm; điển hình là: Triển lãm “Công an nhân dân làm theo lời Bác dạy” nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sảnh Hội trường trụ sở Bộ Công an, 47 Phạm Văn Đồng , Hà Nội; Triển lãm sách với chủ đề “Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồnhân kỷ niệm Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh nước CHXHCNVN; tọa đàm với chủ đề Năm mươi năm lời Người để lại”; Phối hợp với Cục Chính trị TCCT tổ chức giao lưu, tọa đàm với chủ đề75 năm vững bước niềm tin tại TVQĐ.

Năm 2020 là năm các hoạt động tuyên truyền bị ảnh hưởng nhiều do đại dịch Covid-19, Thư viện Quân đội đã nghiên cứu, tìm tòi và đổi mới các hình thức tuyên truyền giới thiệu sách để phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 như: quay clip giới thiệu triển lãm sách; tham gia triển lãm sách tại Triển lãm sách trực tuyến của Bộ Thông tin và truyền thông nhân ngày sách Việt Nam 21/4/2020, xây dựng các clip sách nói và các bài giới thiệu sách đưa lên trang fanpage facebook của Thư viện Quân đội; tham gia triển lãm sách trực tuyến kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCNVN do Bộ Thông tin truyền thông tổ chức vào ngày 1/9/2020. Các bài giới thiệu triển lãm sách, tin, bài đưa lên trang fanpage facebook của Thư viện Quân đội, riêng trong tháng 9 năm 2020 đã thu hút gần 4000 lượt bạn đọc quan tâm.

Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7, năm 2020, Thư viện Quân đội đã tổ chức trưng bày sách với chủ đề “Sách - Nâng bước quân hành” với hơn 700 cuốn sách, báo, hình ảnh, tư liệu tiêu biểu; Thư viện Quân đội cũng phối hợp với Thư viện Trường Sĩ quan Lục quân 2 tổ chức trưng bày sách, công trình khoa học kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020) và hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ 7 tại thư viện của Nhà trường; Hướng dẫn Thư viện Bộ Tổng Tham mưu tổ chức thư viện lưu động và cuộc thi “Viết về cuốn sách tôi yêu” tại Lữ đoàn 87- Bộ Tổng Tham mưu. Năm 2020, Thư viện Quân đội đã phối hợp với Cục Tuyên huấn hướng dẫn cho 15 đơn vị tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc do Bộ Văn hóa TT và DL tổ chức và đã thu được 23.012 bài dự thi; Ban tổ chức đã lựa chọn được 50 bài gửi tham gia vòng chung kết cuộc thi.

Để các đơn vị trong toàn quân có thể học tập và làm theo, Thư viện Quân đội luôn là đơn vị đi đầu trong việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam. Mỗi lần tổ chức Ngày hội sách và văn hóa đọc, các đơn vị đều có nhiều hình thức tổ chức khác nhau. Có thể là các tiểu đội, đại đội luân phiên nhau tới tham dự ngày hội để cán bộ, chiến sĩ tham quan, đọc sách. Sau triển lãm, các đơn vị còn tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ viết bài thu hoạch, kể lại cuốn sách yêu thích. Do đó, Ngày hội đọc sách có hiệu ứng rất lớn, khơi gợi tinh thần yêu thích sách của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt là cuộc thi viết về “Quyển sách tôi yêu” tại sư đoàn BB330/Quân khu 9 nhân ngày sách Việt Nam lần thứ 5 năm 2018; cuộc thi đã thu hút hơn 90% quân số của Sư đoàn tham gia (với số lượng 6.820 bài viết). Các bài viết, đã lựa chọn nhiều quyển sách, nhiều câu chuyện hay, hấp dẫn về các thể loại, đề tài khác nhau như: lịch sử cách mạng, lịch sử dân tộc, Quân đội; thân thế, sự nghiệp của Bác; các tấm gương anh hùng, liệt sỹ; Mẹ Việt Nam anh hùng; tình yêu quê hương, đất nước, bản sắc văn hóa con người Việt Nam; các vấn đề của xã hội, về chiến tranh và hòa bình; về văn học nghệ thuật trong và ngoài nước… Nội dung các bài viết, đã đem đến cho người đọc những cảm xúc rất chân thật, mới lạ và cuốn hút. Các bài dự thi đều có sự đầu tư về nội dung và hình thức trang trí hài hòa đẹp mắt; nội dung trình bày ngắn gọn, giàu cảm xúc; nét nổi bật của các bài viết là văn phong trong sáng, thể hiện tình cảm sâu sắc và có sức thuyết phục cao; đã cảm nhận được vị trí, vai trò, tầm quan trọng mà cuốn sách mang lại đối với việc nuôi dưỡng tâm hồn, trang bị kiến thức cho bản thân và liên hệ sát, đúng với chức trách, nhiệm vụ được giao; đặc biệt, nhiều bài viết đã thể hiện được lời kêu gọi mọi người tích cực và xây dựng thói quen đọc sách. Các hoạt động này đã và đang làm lan tỏa, khơi dậy niềm đam mê đọc sách tới cán bộ, học viên, chiến sĩ trong toàn quân.

Nhiều đơn vị trong toàn quân đã tổ chức các cuộc thi tương tự như sư đoàn BB330/Quân khu 9; Ví dụ như cuộc thi “Cuốn sách tôi yêu” của Lữ đoàn 681 (Vùng 2 Hải quân), hay cuộc thi “Viết về cuốn sách tôi yêu” của tại Lữ đoàn 87, Cục tác chiến Điện tử phối hợp với Cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Namtổ chức hưởng ứng ngày sách Việt Nam 21/4 năm 2020; cuộc thi đã thu hút hàng trăm cán bộ chiến sĩ trong đơn vị tham gia với các bài thuyết trình, chia sẻ về cuốn sách mà mình yêu quý nhất. Đó có thể là một cuốn sách dạy làm người, sách văn hóa, lịch sử, sách hồi ký chiến tranh, sách về công nghệ kỹ thuật số… Các cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại lữ đoàn cảm thấy đây là một cuộc thi đầy ý nghĩa và đã hăng hái tham gia. Lữ đoàn 681 là lữ đoàn tên lửa bờ bảo vệ quần đảo Trường Sa. Doanh trại của đơn vị đóng tại xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Các cán bộ chiến sĩ ở đây đang ngày đêm sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Xác định duy trì văn hóa đọc rất quan trọng với cuộc sống con người, nhất là những người lính; do vậy ngoài hoạt động huấn luyện về chuyên môn kỹ thuật, Ban chỉ huy đơn vị luôn quan tâm khuyến khích cán bộ, chiến sĩ tự đọc sách để nâng cao trình độ, kiến thức, phát triển tư duy, sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách mỗi người. Cuộc thi “Cuốn sách tôi yêu” là hoạt động hiện thực hóa quan điểm đó. Các cuộc thi được phát động trong ngày sách Việt Nam 21/4 hàng năm đã góp phần tôn vinh giá trị của sách và khơi dậy niềm đam mê đọc sách từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc sách, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách, đưa phong trào đọc sách trở thành nét đẹp văn hóa trong tuổi trẻ Lữ đoàn; góp phần nâng cao tri thức, phát triển tư duy, sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, tạo môi trường thân thiện, lành mạnh để cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên có điều kiện học tập nâng cao trình độ chính trị, quân sự, phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong các cơ quan, đơn vị, từ đó đưa phong trào đọc sách trở thành nét đẹp văn hóa trong môi trường quân đội.

Thông qua việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách, báo nhân các sự kiện lớn trong năm, đặc biệt là trong Ngày sách Việt Nam với các hình thức đa dạng, phong phú đã góp phần xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong toàn quân. Tôn vinh được giá trị của sách, khẳng định vai trò tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội cũng như trong việc học tập nghiên cứu của cán bộ, học viên, chiến sĩ trong quân đội góp phần nâng cao vốn tri thức, kỹ năng sống và phát triển nhân cách con người. Đồng thời quảng bá văn hoá đọc và bảo vệ quyền lợi của những người làm sách. Việc tổ chức các hoạt động các hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách, báo báo nhân các sự kiện lớn trong năm và hưởng ứng Ngày sách Việt Nam tại các thư viện trong hệ thống thư viện trong quân đội đã thu hút được đông đảo cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tham gia hưởng ứng nhằm xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới một xã hội học tập, một nét đẹp văn hoá trong môi trường quân đội nói riêng và trong cộng đồng nói chung.

Từ các kết quả hoạt động nhân các sự kiện lớn trong năm đã nêu trên, Thư viện Quân đội rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, cần dựa vào các ngày kỷ niệm lớn trong năm để xây dựng kế hoạch từ cuối năm trước để có thể chủ động trong mọi hoạt động.

Hai là, nghiên cứu, tìm hiểu, lựa chọn các đơn vị cần phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động triển lãm, giao lưu, tọa đàm.

Ba là, giải thích, thuyết phục cán bộ chỉ huy đơn vị để thủ trưởng đơn vị thấy rõ được tầm quan trọng của việc tuyên truyền giới thiệu sách nhân các sự kiện lớn trong năm.

Bốn là, mỗi cán bộ thư viện khi được giao làm nhiệm vụ tuyên truyền giới thiệu sách khi làm công tác chuẩn bị phải có sự nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo trong tổ chức trưng bày triển lãm sách chuyên đề.

Năm là, tổ chức giao lưu, tọa đàm nhân các dịp kỷ niệm lớn trong năm cần tìm ra các chủ đề phù hợp và mới các diễn giả phù hợp với chương trình giao lưu, tọa đàm. (Ví dụ giao lưu nhân kỷ niệm ngày sách Việt Nam thì lấy chủ đề về Văn hóa đọc; mời diễn giả là những người hay viết sách và có khả năng hoạt ngôn thu hút bạn đọc; giao lưu kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ trên không thì chọn tác phẩm Hồi ký Lính Bay và mời tác giả Phạm Phú Thái vừa là người viết sách, vừa là nhân chứng trực tiếp tham gia trận Điện Biên Phủ trên không...)

Sáu là, tranh thủ xin ý kiến của các cơ quan chức năng và đơn vị nhằm tối ưu hóa kế hoạch tổ chức các hoạt động triển lãm hay giao lưu, tọa đàm khi cùng phối hợp tổ chức hoạt động.

III. Các giải pháp tổ chức các hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách nhân các sự kiện trọng đại

Hiện nay, công nghệ ngày càng phát triển nhanh chóng, buộc mỗi người cũng như các lĩnh vực trong xã hội phải thay đổi để thích ứng, và ngành thư viện không phải là ngoại lệ. Để phong trào đọc sách trong quân đội ngày một phát triển mạnh mẽ và thu hút đông đảo cán bộ, học viên, chiến sĩ các đơn vị tham gia; Trách nhiệm của Thư viện Quân đội và hệ thống thư viện, phòng đọc trong toàn quân là phải nghiên cứu, đổi mới các hình thức, nội dung và phương pháp hoạt động nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh phong trào đọc trong quân đội, các thư viện đơn vị cần chú ý một số giải pháp sau:

Một là, phải thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm của cấp uỷ, người chỉ huy trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động nhân các sự kiện lớn trong năm, đặc biệt là Ngày sách Việt Nam 21/4.

Hai là, tăng cường sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các cơ quan, đơn vị phối hợp để xây dựng kế hoạch, tạo sự đồng bộ thống nhất chặt chẽ, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của đơn vị.

Ba là, phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng và mọi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong đơn vị tích cực tổ chức quán triệt và tham gia triển khai thực hiện Ngày sách, góp phần nâng cao văn hoá đọc trong đơn vị.

Bốn là, phát huy tốt trang thiết bị công nghệ thông tin, trang Web của đơn vị trong việc tuyên truyền các hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21/4. Tích cực trang bị các phương tiện, cơ sở vật chất cho các hoạt động các hoạt động nhân các sự kiện lớn trong năm và ngày sách Việt Nam để phục vụ tốt nhu cầu đọc sách, tra cứu, tìm tin của bạn đọc.

Năm là, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng trong tổ chức hoạt động triển lãm, trưng bày, giới thiệu sách, giao lưu toạ đàm.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, sơ kết, rút kinh nghiệm; trao đổi học hỏi những nội dung, biện pháp, cách làm mới, sáng tạo vận dụng vào điều kiện thực tế đơn vị để tổ chức đạt hiệu quả cao hơn.

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần có cơ chế chính sách phù hợp để làm tốt việc xã hội hóa hoạt động thư viện trong hệ thống thư viện trong quân đội; huy động được các nguồn lực tài trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân cho các thư viện trong hệ thống. Đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho thư viện của các đơn vị vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo như đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, xây dựng thư viện điện tử kết nối trong toàn quân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đọc, tra cứu tài liệu của cán bộ, chiến sĩ... Cùng với đó là kiện toàn đội ngũ cán bộ, nhân viên đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, năng lực tốt; ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phục vụ tốt hơn bạn đọc, để giúp cho bộ đội luôn được cập nhật những tri thức mới, góp phần hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định 284/QĐ-TTg ngày 24/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam trong toàn đơn vị; tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với thực tế đơn vị và có tính lan toả cao. Phát huy vai trò, chức năng của cơ quan trong tổ chức các hoạt động, đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị trong toàn quân tham gia thực hiện Ngày sách một cách nền nếp và hiệu quả. Gắn việc thực hiện Ngày sách với thực hiện Đề án “Phát triển văn hoá đọc của Chính phủ trong QĐND Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

--------------------------------------------

Thượng tá Nguyễn Thúy Cúc

Trưởng phòng Phục vụ Bạn đọc - Thư viện Quân đội

Nguồn: Tham luận phục vụ Hội nghị tổng kết hoạt động trọng điểm về văn hóa văn học nghệ thuật, báo chí quân đội giai đoạn 2016 - 2020

Lên đầu trang