KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA THƯ VIỆN QUÂN ĐỘI
TVQĐ là thư viện khoa học tổng hợp về quân sự cấp nhà nước, là cơ quan nghiệp vụ đầu ngành của hệ thống thư viện Quân đội nhân dân Việt Nam
Từ khi thành lập đến nay, Thư viện Quân đội (TVQĐ), đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Quân đội (QĐ) ta. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, mỗi giai đoạn, TVQĐ đều để lại những dấu ấn và bước phát triển đáng ghi nhớ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm triển lãm sách báo tại Thư viện Quân đội
I. Thư viện Quân đội những ngày đầu thành lập
TVQĐ được thành lập ngày 15 tháng 11 năm 1957, theo chỉ thị của Tổng quân ủy – trực tiếp là đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Lúc bấy giờ, TVQĐ là một bộ phận của Câu lạc bộ Quân nhân, trực thuộc Cục Tuyên huấn – Tổng cục Chính trị. Biên chế ngày đầu gồm 03 đồng chí, với 500 cuốn sách của Tổng quân ủy chuyển từ chiến khu về và một số tài liệu (TL) của cơ quan Bộ Quốc phòng (BQP) lưu trữ chuyển giao.
Từ năm 1958, TVQĐ được tách ra khỏi CLB Quân nhân để xây dựng TVQĐ thành thư viện (TV) trung tâm của toàn quân.
Tháng 9 năm 1961, TVQĐ đã chính thức thông qua được chức năng, nhiệm vụ cơ bản: Phục vụ tại chỗ và tổ chức hệ thống thư viện trong quân đội. Cũng từ đây, các phòng, ban được thành lập, các quy trình nghiệp vụ được hình thành, cơ sở vật chất được tăng cường,… khâu phục vụ bạn đọc ngày càng được chú trọng. Các phòng đọc, phòng mượn, kho sách, kho báo, tạp chí được phát triển ngày càng đa dạng. Các cuộc trưng bày, triển lãm sách báo cũng được tổ chức ngày càng nhiều. Công tác biên mục, xử lí tài liệu đã từng bước được cải tiến. Công tác biên soạn thư mục chuyên đề đã được hình thành và phát triển. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm. Hội nghị cán bộ thư viện toàn quân được tổ chức. Công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho hệ thống thư viện toàn quân từ đây cũng trở thành nề nếp. Sau năm 1964, toàn quân đã thành lập được nhiều thư viện từ cấp trung đoàn trở lên, với vốn sách ban đầu từ 2.000 – 3.000 bản, các đại đội đều có tủ sách với vốn tài liệu ban đầu từ 100 – 300 bản.
Từ năm 1965 – 1975, các hình thức phục vụ sách báo cũng được đổi mới để phù hợp với điều kiện chiến tranh. TVQĐ chủ trương hướng các hoạt động thư viện về cơ sở và lấy hoạt động của đại đội làm hạt nhân. Mục lục tủ sách trên vai được TVQĐ biên soạn hàng năm để các thư viện cấp dưới hoạt động thuận tiện, mỗi tủ sách trên vai có từ 100 – 200 cuốn, tủ sách được phân chia nhỏ lẻ, để tổ chức những “gác sách”, “hòm sách” ở các trận địa pháo, “túi sách” của các nhóm trực chiến, “ca bin sách” của các đoàn xe tải, “giá sách hầm chữ A” của các công binh trên đường Trường Sơn, còn những lúc hành quân dài thì tủ sách đại đội được chia đều mỗi người 1-2 cuốn, tổ chức luân phiên nhau đọc và bảo quản.
Mặc dù phải sơ tán, di chuyển nhiều nơi, nhiều lần nhưng mọi hoạt động của TVQĐ vẫn được duy trì đều đặn, đồng bộ với hiệu quả cao nhất, phục vụ đắc lực cuộc chiến đấu của bộ đội ta. Mỗi năm TVQĐ bổ sung trung bình khoảng 1.000 tên sách. Tính đến cuối năm 1969, TVQĐ đã bổ sung được hơn 700.000 cuốn sách, gần 200 loại báo, tạp chí trong và ngoài nước.
Tháng Giêng, năm 1972, TVQĐ chuyển về đóng trụ sở tại 83 Lý Nam Đế - Hà Nội và 1 năm sau đó, TVQĐ trở thành thư viện khoa học quân sự. Cũng trong giai đoạn này, TVQĐ được tiếp quản toàn bộ kho sách của Mỹ - Ngụy và được Ban Tổng kết Tổng cục Chính trị chuyển giao toàn bộ kho sách và mở rộng quan hệ với nhiều cơ quan để thu thập tài liệu. Tính đến năm 1975, tài liệu của TVQĐ lên đến gần 20 vạn bản.
Cũng từ đây, nhiều loại thư mục được ra đời như: Thư mục thông báo khoa học phục vụ công tác nghiên cứu, Thư mục giới thiệu phục vụ công tác học tập, Thư mục tuyên truyền phục vụ các ngày lễ kỷ niệm lớn. Các Thư mục thông báo khoa học chủ yếu tập trung vào hai nội dung: phục vụ cho công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang và cho nghiên cứu khoa học quân sự: “Về chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam” (1971), “Hồ Chủ tịch – Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam: Thư mục trích dẫn (1969),… và hàng trăm thư mục với các nội dụng khác nhau. Trong đó, tiêu biểu là bộ thư mục 10 tập “Nghiên cứu về đường lối chính trị, quân sự và tư tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Thư mục giới thiệu phục vụ học tập của cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân như: “Thư mục phục vụ cuộc vận động khắc sâu căm thù, nâng cao khí tiết” (1965),… Thư mục tuyên truyền phục vụ các ngày kỷ niệm lớn, nổi bật là các thư mục: “Chào mừng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tròn 30 tuổi” (1975),… Cũng trong thời kỳ này, nhiều phong trào đọc ra đời như: “Đọc và làm theo sách người tốt việc tốt”,...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Triển lãm sách Kỷ niệm 70 năm Cách mạng XHCN tháng Mười vĩ đại
II. Thư viện Quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Thực hiện đường lối Đại hội IV của Đảng, Tổng cục Chính trị chủ trương: Xây dựng và củng cố hệ thống thư viện toàn quân bao gồm: Khôi phục thư viện cũ, xây dựng các thư viện mới từ cấp quân khu, quân đoàn đến trung đoàn; Quy hoạch tổ chức hệ thống thư viện trong quân đội; Xác định loại hình, tổ chức biến chế, nhiệm vụ, chức trách và kinh phí cho thư viện. Cũng trong thời kỳ này, các thông tin chuyên đề của TVQĐ ra đời, ban đầu dưới dạng “Sưu tập chuyên đề”, “Tư liệu tham khảo chuyên đề”. Từ cuối năm 1978, TVQĐ bắt đầu biên soạn “Bản tin tham khảo chuyên đề” lược thuật từ sách báo nước ngoài viết về chiến tranh, quân đội, quốc phòng, ví dụ, bản tin tham khảo chuyên đề “Chiến tranh biên giới và chính sách biên giới của Trung Quốc (1978), cũng từ đây, TVQĐ có thêm nhiệm vụ biên soạn “Thông tin nhanh phục vụ lãnh đạo và chỉ huy”.
Đến thời điểm này, TVQĐ được trở thành đầu mối của Tổng cục Chính trị. Năm 1980, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã ra Nghị quyết 430/NQ-QU về công tác xuất bản, trong đó có phần về công tác Thư viện. Nghị quyết nhấn mạnh: “Mở rộng hơn nữa phạm vi hoạt động của Thư viện Quân đội, đưa Thư viện Quân đội trở thành nơi phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu khoa học và nghệ thuật quân sự của toàn quân”. (tại thời điểm này, toàn quân có tới 1.000 thư viện, phòng đọc với quy mô và tính chất khác nhau).
Với tinh thần đó, trong giai đoạn này, TVQĐ đã không ngừng mở rộng nhiều hình thức, nội dung phục vụ,… và đã biên soạn gần 100 Thư mục thông báo khoa học đề cập đến 04 nội dung lớn: Thư mục phục vụ công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang, Thư mục phục vụ nghiên cứu khoa học quân sự, Thư mục phục vụ tổng kết chiến tranh, Thư mục về kinh tế quốc phòng và quốc phòng toàn dân trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đồng thời điểm sách nước ngoài về công tác đảng, công tác chính trị trong các lực lượng vũ trang và biên soạn rất nhiều thư mục có giá trị nghiên cứu đáp ứng nhu cầu của cán bộ chiến sĩ trong toàn quân.
Từ năm 1986, đất nước bước sáng thời kỳ đổi mới, với nhiều biến động chính trị - xã hội lớn đã ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trước tình hình đó, đòi hỏi công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội không ngừng được tăng cường, củng cố và phát huy, đáp ứng được những yêu cầu mới về bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Năm 1993, Tổng cục Chính trị thông qua Quy chế Phòng Hồ Chí Minh trong quân đội. Theo quy chế này, Phòng Hồ Chí Minh là nơi tổ chức hoạt động giáo dục chính trị, sinh hoạt văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ cấp tiểu đoàn và tương đương.
Năm 1995, TVQĐ khánh thành trụ sở làm việc mới. Cũng từ thời điểm này, các hoạt động của TVQĐ đi vào nề nếp, ổn định và ngày càng phát triển, đặc biệt trong vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin. TVQĐ bắt đầu sử dụng phần mềm CDS-ISIS vào một số khâu nghiệp vụ của thư viện. Hoạt động thư viện toàn quân có nhiều khởi sắc: tổ chức các hoạt động trọng điểm thư viện sách báo trong quân đội, thi tìm hiểu nội dung sách trong tủ sách Phòng Hồ Chí Minh, phối hợp với các đơn vị tổ chức thành công nhiều cuộc thi tìm hiểu,…
Đại tướng Văn Tiến Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến thăm và làm việc với TVQĐ
III. Thư viện Quân đội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Bước vào thiên niên kỷ mới, tình hình thế giới, trong nước và sự phát triển của nhiệm vụ quân đội chi phối, tác động trực tiếp đến hoạt động của công tác tư tưởng, văn hóa nói chung và công tác thư viện – sách, báo trong quân đội nói riêng.
Quán triệt nhiệm vụ được giao, những năm qua, TVQĐ đã không ngừng đổi mới, phát triển về mọi mặt từ tổ chức biến chế, nguồn lực thông tin, các sản phẩm và dịch vụ thông tin – thư viện, ứng dụng CNTT vào hoạt động nghiệp vụ cho đến cơ sở hạ tầng đã đạt được một số kết quả tiêu biểu sau:
Về xây dựng nguồn lực thông tin (NLTT)
Hàng năm, TVQĐ nhập vào kho trung bình gần 4.000 tên TL với khoảng gần 11.000 bản, hơn 300 loại báo, tạp chí trong và ngoài nước. Ngoài ra, TV còn tập trung đặt mua các loại bản tin, báo, tạp chí phát hành trong nội bộ quân đội, các loại nguồn tin điện tử, ấn phẩm điện tử, CD – ROM, băng đĩa, cơ sở dữ liệu,… Đến nay, TVQĐ có hơn 40 vạn bản sách, gần 2.000 loại báo, tạp chí, gần 10.000 tài liệu điện tử, tài liệu số hóa về lĩnh vực quân sự, lực lượng vũ trạng, chiến tranh, cách mạng, tài liệu nghiên cứu khoa học, Báo – tạp chí Quân sự nước ngoài online (Thư viện Quân đội mua quyền truy cập),...
Về công tác tuyên truyền
TVQĐ thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm và hội thi tuyên truyền giới thiệu sách, giao lưu toạ đàm tác giả - tác phẩm, tham gia hội chợ sách,… Thông qua hoạt động sách báo đã góp phần tuyên truyền sâu rộng quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quân đội, đã tạo ra các hoạt động văn hoá lành mạnh và bổ ích, góp phần giáo dục chính trị tư tưởng, lòng yêu nước và tự hào dân tộc, xây dựng phong trào đọc, học và làm theo sách báo, góp phần khẳng định giá trị truyền thống của văn hoá đọc trong QĐ và xã hội.
Về công tác biên soạn các ấn phẩm thông tin, thư mục
Tích cực đổi mới nội dung, hình thức các ấn phẩm thông tin, thư mục. Thường xuyên biên soạn, in và phát hành Thư mục thông báo tài liệu mới, Thư mục chuyên, Tài liệu phục vụ nghiên cứu nhằm cung cấp thông tin có chọn lọc và hệ thống về các vấn đề quân sự, chính trị, xã hội,... nổi bật của thế giới, trong nước cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân.
Về hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin
Đầu những năm 2000, TVQĐ bắt đầu xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) thư mục, trong đó có CSDL thư mục sách, tư liệu, luận án, luận văn, CSDL thư mục tên báo-tạp chí, CSDL bài trích báo-tạp chí; Xây dựng các trang web của TVQĐ trên mạng LAN, Mạng truyền số liệu quân sự, mạng Internet; Xây dựng phòng đọc điện tử; Xây dựng CSDL toàn văn; Xây dựng CSDL dữ kiện; Số hóa tài liệu quân sự, chính trị, lịch sử,...
Đến đầu năm 2012, TVQĐ chính thức được phê duyệt dự án “Đầu tư xây dựng trụ sở thư viện hiện đại”. Dự án hoàn thành và đi vào sử dụng năm 2016, TVQĐ được đầu tư nhiều trang thiết bị CNTT phục vụ công tác TT-TV như phần mềm quản trị thư viện điện tử, thư viện số của Công ty CMC, nâng cấp các trang web, hệ thống máy chủ, máy scan rô bốt, phòng đọc điện tử,… mở ra nhiều triển vọng cho quá trình hiện đại hóa của TVQĐ trong thời gian tới.
Trong quá trình hoạt động, TVQĐ là một trong số những cơ quan luôn đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, ngoài việc ứng dụng CNTT vào các khâu nghiệp vụ TT-TV nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiệp vụ, TVQĐ còn ứng dụng CNTT trong quản lí chỉ đạo điều hành như áp dụng phần mềm Quản lí – Chỉ đạo – Điều hành, Mail nội bộ,... nhằm đổi mới hành chính quân sự, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian, tài chính, sức lực cho cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trước yêu cầu thực tiễn đặt ra, năm 2019, BQP phê duyệt đầu tư “Dự án số hóa kho tài liệu quân sự và xây dựng hệ thống lưu trữ dữ liệu số tại TVQĐ”, dự án sẽ là cơ hội để TVQĐ đẩy nhanh quá trình số hóa tài liệu, phát triển tài liệu số về quân sự góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ thông tin/tài liệu từ xa cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân. Hiện tại, Dự án đang trong quá trình triển khai và thực hiện.
Về phát triển hệ thống thư viện trong quân đội
Cùng với sự phát triển của TVQĐ, hệ thống thư viện trong QĐ không ngừng được củng cố và phát triển, được tổ chức theo đơn vị hành chính của QĐ từ Trung ương đến các đơn vị cơ sở trong toàn quân. Đến nay, toàn quân có hàng trăm thư viện cơ sở và hơn 1.000 tủ sách phòng Hồ Chí Minh hoạt động có hiệu quả. Thư viện các học viện, nhà trường được đầu tư cơ bản, đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo, huấn luyện trong thời đại 4.0.
Cùng với các thiết chế văn hoá trong QĐ, Thư viện Quân đội nói riêng và hệ thống thư viện quân đội nói chung đã góp phần phục vụ đắc lực công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết chiến tranh, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho bộ đội, từng bước làm thay đổi bộ mặt văn hoá ở các đơn vị QĐ, qua đó góp phần xây dựng QĐ vững mạnh về chính trị, thực hiện thẳng lới nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của QĐ ta.
Thượng tướng Lê Chiêm - Ủy viên BCH TW Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao Huân trương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho Thư viện Quân đội
Trụ sở Thư viện hiện đại hoàn thành cuối năm 2016
Chiến sĩ ngồi đọc ở phòng Báo – Tạp chí.